Tuesday, November 29, 2011

QUỲNH GIAO: Tiếng Ca Mở Nẻo Lam Kiều.

Hồi ở quê nhà, trên tivi, tôi chưa thấy ai hát bản "Xuân Và Tuổi Trẻ" của La Hối tươi vui và rạng rỡ như Quỳnh Giao, dù khi diễn tả bài này cô không nhún nhảy, không phô trương mắt liếc miệng cười. Há mà lẳng nhức lẳng nhối, điệu đà, ỏn ẻn như mấy cô vợ bé nũng nịu với chồng là không có cô.
Ở ngay tiếng hát cô, khán thính giả đã thấy mùa xuân tươi sáng và tuổi trẻ hạnh phúc trong đó rồi. Còn bản "Giòng Sông Xanh" của Johann Strauss, cô hát sao mà nhẹ nhàng, thênh thang, trơn ngọt, ngân bằng nguyên âm thật sướng tai. Tùng chuỗi ngân dài như dải lụa rập rờn trong gió tuôn ra không chút nắn nót.
Quỳnh Giao hát cực kỳ điêu luyện, ai ai cũng biết. Quỳnh Giao tốt nghiệp môn dương cầm trường Quốc Gia Âm Nhạc, có ngón đàn tươi và sành điệu, chắc chẳng ai quên.
Nhưng mấy ai biết sự thuỷ chung và ý tình thắm thiết của cô đối với ca hát? Ca hát là tôn giáo của cô, là mục đích mà cô đeo đuổi hơn ba phần tư cuộc đời, dù khách sành điệu của cô quá ít, dù kẻ biết được cái chân giá trị của giọng hát cô chẳng được bao nhiêu ngươì nữa.
Ở ngoài đời, Quỳnh Giao có cung cách thật cao sang, cho nên cô giữ gìn tiếng hát cô quý phái theo. Cô không bao giờ vừa hát vừa nhỏng nhẻo với khán giả, hoặc làm như đang hổn hển say nhừ lạc thú ái ân như mấy bà sủng phi ỏn ẻn mê hoặc đức vua hiếu sắc hiếu dâm, như mấy cô kỹ nữ nịch ái các khách làng chơi khờ khạo.
Cô đưa tình cảm vào giọng hát có chừng mực.
Người chưa sành điệu khó cảm thông nổi giọng hát của cô vì đối với họ nó hơi làn lạt, chưa đủ ngọt say sưa như mật ong, mà củng không đắng đậm như mật gấu.
Tuy nhiên, cô không hát quá chân phương như Mộc Lan hay như Anh Ngọc. Tình cảm trong giọng hát của cô phơn phớt và dịu nhẹ.Cô cũng dùng nét láy thật mềm để trang sức cho giọng hát mình thêm nét gợi cảm, để nữ tính cô được bộc lộ một phần nào.
Hình như cho tới bây giờ, Quỳnh Giao vẫn giữ giọng thiếu nữ non mềm và tươi mươn mướt, một giọng trong ngần và trắng loá loá như pha lê.
Giọng Quỳnh Giao thuộc loại kim (soprano). Khi hát ở những chổ ngang ngang thì nó quá diụ mềm làm cho chúng ta nghĩ tới hình ảnh các cô khuê nữ kiều nhược.
Khi lên cao, giọng cô tuy không xé lụa, như giọng Ánh Tuyết, tuy không lảnh lót chuông ngân như giọng Thùy Nhiên năm nào, nhưng vẫn chắc, vẫn dẽo, vẫn thoải mái và thống khoái.
Cô lại còn ưa chuyền hơi, từ tiếng chót câu đầu cô ngân nga thật dài rồi bắt qua tiếng đầu của câu sau với một làn hơi óng ả vóc nhung tơ và dồi như nước sông mùa lũ, nghe mà cảm thấy đã cái lỗ tai biết dường nào.
Quỳnh Giao thường hát những bài chọn lọc, có phẩm chất cao. Cô không chìu theo thị hiếu của khán thính giả tạp nhạp. Cô nhắm vào khách sành điệu ít oi, dù nghìn người chỉ có một người đi nữa.
Cô hát những bản có nhiều chỗ lên cao để cô có thể biểu diễn giọng kim cao vút và sáng nguy nga, sáng lồng lộng của mình như: "Chiều Về Trên Sông" của Phạm Duy, "Tiếng Dương Cầm" và "Mưa Trên Phím Ngà" của Văn Phụng,"Hẹn Một Ngày Về" của Lê Hữu Mục, "Tiếng Thời Gian" của Lâm Tuyền, "Hoài Cảm" và "Thu Vàng" của Cung Tiến.
Bản "Sao Đêm" của Lê Trọng Nguyễn và "Đường Chiều Lá Rụng" của Phạm Duy tuy không có chỗ lên thật cao nhưng vẫn là hai bản khó hát, các ca sĩ có kỷ thuật non kém sẽ hát tuột giọng, đâm hơi, lạc giọng...nhưng vốn có kỷ thuật thâm hậu, Quỳnh Giao hát rất đúng giọng, không sai một bán cung, rất điệu nghệ, càng nghe càng khoái.



No comments:

Post a Comment

Danh ca Lệ Thu | Hải Ngoại Thương Ca (Nguyễn Văn Đông) | PBN 77

 Còn đây giây phút này Còn nghe tiếng hát, nụ cười xinh tươi Còn trong ánh mắt, còn cầm tay nhau Ngày mai xa cách nhau Một người gối ch...